Định giá bán lẻ cho sản phẩm, làm sao để có lợi nhuận?

Định giá sản phẩm là 1 trong những phần thú vị nhưng gây đau đầu nhất trong việc bán lẻ. Đưa ra 1 mức giá quá thấp cho sản phẩm, bạn có thể sẽ bán được nhiều, tuy nhiên vào cuối tháng khi tổng kết lại bạn sẽ rất thất vọng vì không có lợi nhuận.

Còn nếu bạn bán sản phẩm cao cấp, uy tín và độc quyền, bạn có thể định giá sản phẩm cao và nhắm đến 1 lượng khách hàng khá giả và vẫn sẽ có doanh số cao. Tuy nhiên, nếu cửa hàng của bạn nằm ở khu vực mà người dân nhạy cảm với giá cả hàng hóa, bạn phải làm thế nào?

Cuối cùng, bạn sẽ phải quyết định xem bạn muốn sản phẩm giá cao và lượng bán thấp hơn hay sản phẩm giá thấp hơn với lượng bán cao hơn và hướng đi nào sẽ giúp bạn bạn thu được lợi nhuận.

Cũng nên lưu ý rằng, khi bạn kinh doanh nhiều sản phẩm, đôi khi bạn có thể giảm giá cho sản phẩm này và bán các sản phẩm khác ở mức giá cao hơn.

Làm thế nào để đặt được một mức giá bán lẻ phù hợp vừa đảm bảo thu được lợi nhuận cao vừa không khiến cho khách hàng của bạn “chạy mất dép” vì giá quá “chát”? Giá như thế nào mới là hợp lý đây? Đừng lo chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn công thức định giá sản phẩm chỉ với 4 bước đơn giản.

Bước 1: Tính giá vốn (giá gốc) cho sản phẩm của bạn

Giá vốn (giá gốc) của sản phẩm (còn được gọi là Cost of goods sold – COGS) là tổng chi phí bao gồm phí sản xuất hoặc nhập sản phẩm (còn được gọi là giá thành của sản phẩm) và bất kỳ chi phí phát sinh cần thiết nào (phí vận chuyển, đóng gói, marketing, nhân công… ) để hàng được lên kệ sẵn sàng bán ra. Hiểu một cách đơn giản hơn là giá vốn (giá gốc) của sản phẩm có thể được xác định với công thức tính như sau:

Giá vốn hàng bán = Giá nhập sản phẩm + Chi phí phát sinh khác nếu có (phí vận chuyển, đóng gói, marketing, nhân công…)

Bước 2: Nghiên cứu thị trường, phân khúc khách hàng của bạn

Trước khi bạn muốn đặt giá bán lẻ cho bất kỳ sản phẩm nào, hãy xác định rõ phân khúc thị trường mà bạn đang nhắm đến. Ví dụ: sản phẩm của bạn thuộc phân khúc nào, là hàng cao cấp, hướng đến khách hàng giàu có? Hay là hàng bình dân, phù hợp với khách hàng có thu nhập trung bình – khá? Nên nhớ, chỉ khi nắm bắt được khách hàng tiềm năng thì bạn mới có thể dựa theo đó để đưa ra mức giá có lợi thế cạnh tranh cho cửa hàng  của mình.

Tùy vào khách hàng của bạn có những hành vi tiêu dùng ra sao, ví dụ như chỉ quan tâm về giá hay về chất lượng sản phẩm. Khả năng chi trả của họ cho việc mua sắm là bao nhiêu? Tổng kết tất cả những dữ liệu đó lại, bạn sẽ có thể đưa ra được mức giá phù hợp, đánh trúng tâm lý khách hàng.

Bước 3: Xác định mức lãi gộp mà bạn mong muốn

Có một mẹo đơn giản mà có lẽ ai cũng thường áp dụng vào công thức định giá sản phẩm, chính là lấy giá vốn (giá gốc) của bạn rồi nhân gấp đôi lên để ra giá bán lẻ. Đây là cách làm an toàn và phổ biến nhất để đảm bảo mức lãi gộp của bạn luôn thu về được tối thiểu là 50%. Tuy nhiên, trong phân khúc bán lẻ, còn tùy vào từng ngành hàng và mô hình kinh doanh của bạn để tùy chỉnh giá bán mang về lãi gộp bao nhiêu là phù hợp.

Thường với các nhà sản xuất trực tiếp hay các thương hiệu lớn, họ có thể chấp nhận mức lãi gộp thấp để đạt được những mục tiêu khác. Trong khi các nhà bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng thì sẽ luôn nhắm đến mức lãi gộp cao nhất có thể, đối với ngành thể thao thì lãi gộp dao động trong khoảng từ 20% (hàng hóa đặc thù bắt buộc phải kinh doanh) đến 60% (có lợi thế về hàng hóa, khách hàng sẵn sàng chấp nhận). Vậy nên, để có được giá bán sau cùng cho sản phẩm thì bạn cần xác định mức lãi gộp mà bạn mong muốn thu về được.

Bước 4: Đặt giá bán lẻ (giá niêm yết)

Sau khi xác định được lãi gộp mong muốn thì bạn sẽ tính ra được giá bán lẻ sau cùng với công thức như sau:

Giá bán lẻ = [Giá vốn / (100 – % lãi gộp mong muốn)] x 100

Ví dụ: Giá vốn của 1 sản phẩm quả bóng đá là 100.000đ, lãi gộp mong muốn là 30% thì giá bán lẻ sẽ là:

Giá bán lẻ = [100.000 / (100 – 30)] x 100 = 143.000 đ

Lưu ý, đừng nhầm lẫn giá gốc (giá vốn) với giá thành để tính ra giá bán. Đã có nhiều trường hợp, chủ cửa hàng dùng giá thành nhân lên gấp đôi, gấp 3 hoặc gấp 4 lần để ra giá bán và nghĩ rằng mình đang có mức lời rất “khủng”. Tuy nhiên, đó là sự ngộ nhận, trên thực tế, doanh thu bán hàng sau khi thu về, phần lợi nhuận trong đó vẫn tiếp tục bị trừ thêm các khoản chi phí phát sinh dẫn đến bạn không lời như bạn tưởng.

Trên đây là công thức định giá bán lẻ cho sản phẩm cơ bản và đơn giản nhất, dành cho những người mới bắt đầu và chưa có kiến thức chuyên sâu về việc kinh doanh.

Có người nói định giá sản phẩm là cả một nghệ thuật trong việc bán hàng, đây không phải là việc khó khăn nhưng cũng không hề đơn giản. Nếu bạn không chú trọng cho nó thì sẽ rất ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh sau này. Dù sao, khi mới bắt đầu, chúng ta có thể đi từ những bước đơn giản nhất, sau đó tích lũy dần kinh nghiệm để cải thiện bản thân hơn. Thể Thao Sỉ hy vọng bài  viết này hữu ích và chúc cho mọi người ngày càng thành công, buôn may bán đắt hơn nhé!

Nguồn: thethaosi.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *